Hiến kế về phương pháp đổi mới giáo dục toàn diện

Danh mục tin tức 1

Hiến kế về phương pháp đổi mới giáo dục toàn diện

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là một trong hai nội dung cơ bản, mang tính đột phá của Nghị quyết, được ưu tiên thực hiện trước. Đổi mới công tác đánh giá nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo, trong đó chú trọng việc thay đổi cách dạy và cách học.

Khắc phục những hạn chế đã xảy ra như chỉ đánh giá người học ở mức rất thấp, ai nhớ nhiều, học thuộc nhiều thì được điểm cao, nảy sinh tâm lý học để thi không phải thi để học. Vì vậy, nội dung cụ thể về đổi mới công tác này như thế nào đang được nhiều học sinh, thầy cô giáo quan tâm. PGS.TS Lê Thế Vinh - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã đưa ra những phân tích cũng như chia sẻ định hướng về khâu đổi mới đột phá này.

Thực trạng về kiểm tra đánh giá

Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, như thi tuyển sinh đầu vào, kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học, thi kết thúc môn học, thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi. Mỗi trường hợp có mục đích, ý nghĩa riêng, như mục đích của thi tuyển sinh là xác định năng lực của thí sinh để có thể xét vào học một chương trình đào tạo của một ngành nghề cụ thể; Kiểm tra định kỳ môn học để xác định kiến thức, kỹ năng mà người học đạt được trong quá trình học, giúp giáo viên và người học điều chỉnh cách dạy học cho phù hợp để đạt được mục tiêu của môn học thông qua việc người học tiếp thu từng phần nội dung của môn học; Thi hết môn học để đánh giá kết quả học tập của người học khi học xong môn học đó; Còn thi học sinh giỏi nhằm tuyên dương khen thưởng, tạo phong trào thi đua học tốt cho người học. Với mỗi trường hợp, cách thức đánh giá được chọn phù hợp. Ví dụ, đối với thi học sinh giỏi, các kết quả thi cần được công bố công khai đối với tất cả mọi người nhằm khuyến khích khen ngợi những em đạt kết quả cao, còn kiểm tra định kỳ trong quá trình học thì kết quả thi thuộc thông tin cá nhân của mỗi người học, kết quả này chỉ dùng cho người dạy và cá nhân người học biết để điều chỉnh cách dạy, cách học sao cho đạt kết quả cao hơn, nên việc công bố kết quả công khai có thể không tốt với các em đạt kết quả thấp, vì có thể làm các em xấu hổ, giảm tự tin.

Về hình thức thi, kiểm tra, đánh giá, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo, giáo viên thường sử dụng ba hình thức chủ yếu: tự luận, trắc nghiệm, và vấn đáp. Nếu như thi tự luận giúp cho người học trình bày rõ ràng quá trình tư duy logic, thể hiện khả năng diễn đạt thì trắc nghiệm có ưu điểm kiểm tra được nhiều kiến thức, trong một thời gian ngắn, còn vấn đáp có thể đánh giá trực tiếp năng lực của người học thông qua giao tiếp thực tế giữa thầy và trò.

Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá như một thước đo, công cụ được sử dụng thường xuyên của giáo viên trong quá trình dạy học. Thầy cô giáo, là người thực hiện việc lên lớp giảng bài, hướng dẫn cho HSSV học tập, hoạt động hình thành năng lực và phẩm chất con người tốt cho các em. Để đào tạo được một con người, người thầy dành tâm trí, sức lực, trí thông minh, thời gian để thực hiện.Từng nội dung bài học, kiến thức, kỹ năng, thái độ được thầy cô tổ chức truyền thụ cho học sinh qua việc tổ chức học tập là cả một nghệ thuật với biết bao công sức tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện. Trong đó, liên tục lắng nghe, điều chỉnh bằng nhiều cách khác nhau khi truyền đạt thành công một nội dung bài học.

Hiện nay, đa số người dạy áp dụng cách đánh giá quá trình nhận thức theo các mức của Bloom, gồm các mức: biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá và sáng tạo. Tùy thuộc vào từng nội dung cụ thể, giáo viên có thể chọn mức độ đánh giá phù hợp. Việc giáo viên chủ động lấy ý kiến người học khi kết thúc môn học để có thông tin phản hồi, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức dạy học lần sau cũng rất quan trọng. Điều này là tích cực, không nên hiểu là trò đánh giá thầy như nhiều bài viết đã đề cập.


trang thiết bị trường học

Cần thực hiện đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo (Ảnh minh họa)

Cần xây dựng bộ công cụ thi, kiểm tra, đánh giá

Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó chuyển từ việc dạy học chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực, phẩm chất của người học. Để thực hiện mục tiêu này, các nhà trường cần được trang bị nhiều thiết bị trường học mới phục vụ cho phương pháp giáo dục mới. Như vậy thì hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi từ chủ yếu đánh giá ở mức biết và hiểu sang chú trọng đánh giá năng lực vận dụng, phân tích, sáng tạo, đề xuất các giải pháp, xây dựng một kế hoạch để giải quyết vấn đề, tạo ra một sản phẩm, mô hình mới dựa trên những mô hình đã được học. Nếu như đánh giá ở mức biết thì người học nhớ nhiều, học thuộc lòng có thể trả lời đúng phần lớn các câu hỏi thì từ mức độ vận dụng, yêu cầu người học phải hiểu biết sâu sắc mới có thể trả lời đúng các câu hỏi và mức sáng tạo là bậc cao nhất, yêu cầu người học phải suy nghĩ ra “cái mới”, lập kế hoạch và thực hiện.

Để đạt được mục tiêu nói trên thầy cô giáo, người sử dụng thường xuyên công cụ đánh giá, cần nắm chắc kỹ thuật ra đề thi, vận dụng linh hoạt các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Cao hơn, mỗi giáo viên có thể tự xây dựng cho mình một công cụ đánh giá năng lực và phẩm chất của học trò theo từng môn học để áp dụng trong quá trình giảng dạy. Đây là một công việc rất khó, cần có sự trợ giúp của chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá, thực hiện một khối lượng lớn công việc mang tính học thuật thuộc chuyên môn đo lường, đánh giá.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ thi, kiểm tra, đánh giá; Có thể tham khảo các bộ công cụ đánh giá của nước ngoài, tổ chức xây dựng bộ công cụ gồm các khâu cơ bản như: thiết kế hệ thống, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức thi thử nghiệm, đánh giá chất lượng, mức độ đáp ứng của từng câu hỏi, chọn lọc, chỉnh sửa, hoàn thiện, đưa vào ngân hàng đề thi. Tập huấn cho các trường theo từng lĩnh vực; Vận dụng mô hình để xây dựng các bộ đánh giá cụ thể đảm bảo thực hiện được phần cốt lõi của mục tiêu đào tạo theo ngành; Bộ công cụ này có thể được sử dụng để giám sát, đánh giá, xếp hạng các trường thông qua công tác thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất quá trình tổ chức đào tạo, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng. Các trường tập huấn đến các đơn vị đào tạo, khoa chuyên môn, tổ bộ môn và giáo viên. Trường có thể kiểm soát chất lượng đào tạo của các đơn vị trực thuộc thông qua việc sử dụng các bộ công cụ như cách làm của Bộ.

Để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển mô hình phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu dựa vào số lượng và quy mô sang chú trọng chất lượng và hiệu quả thì việc lựa chọn, vận dụng hình thức, mức độ đánh giá phù hợp với tính chất của từng nội dung, trường hợp cụ thể có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Song song với quá trình đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng trang thiết bị trường học và đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thì việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá góp phần đảm bảo sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

PGS.TS Lê Thế Vinh

Theo Dân trí

0776222668