Bi kịch học đường

Danh mục tin tức 1

Bi kịch học đường

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Không chỉ một học sinh đạt mức trung bình yếu như cháu tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi, mà gần như ở cấp tiểu học thì tỉ lệ học sinh giỏi, khá ở lớp nào, trường nào cũng có tình trạng tương tự như vậy...

Năm ngoái sau khi đi họp tổng kết năm học cho cháu nội, tôi đã viết bài viết ngắn đăng trên báo Văn nghệ phê phán căn bệnh thành tích của ngành Giáo dục đã làm nền giáo dục nước ta xuống cấp như thế nào. Nhưng đáng buòn thay, mặc dù dư luận báo giới, dư luận nhân dân và ngay cả trong các cuộc họp của cơ quan thượng đỉnh là Quốc hội đã không ít đại biểu phát biểu phê phán căn bệnh này nhưng… Có thể nói. Mọi ý kiến lên án, chê trách về căn bệnh - tệ nạn này vẫn chỉ là “nước đổ đầu vịt”.

Nhà văn Nguyễn Hiếu - tác giả bài viết.

Năm nay vì bố mẹ cháu bận công tác nên tôi vẫn phải thay mặt đi họp tổng kết năm học của đứa cháu nội. Vốn thường xuyên kèm cặp cháu học ở nhà nên tôi không lạ gì học lực của cậu học sinh đích tôn đang trong tuổi ham chơi, ngại học này. Mọi bài tập về toán đều làm qua loa đại khái cho xong chuyện, sau đó là nhờ ông hay bà chữa cho đúng rồi chép lại. Có lần cậu cháu học lớp 4 ngồi ngẩn người ra ao ước "Ước gì giờ con quay lại học mẫu giáo”. Tôi bật cười hỏi “Sao con lại mong ước vậy?”. Cháu tôi thản nhiên bám vào lưng ông thủ thỉ “Vì sẽ không phải học bài, không phải làm bài tập, không phải đi học phụ đạo, học thêm”. Theo đánh giá của tôi, cũng như của mẹ và bà cháu đều là một giáo viên thì trình độ của thằng bé chỉ đat mức trung bình yếu, nếu không cẩn thận để ý trông coi, thúc giục thì khó mà lên nổi lớp. Vậy mà tôi thật bất ngờ khi cháu tôi lại được cấp giấy khen vì trong diện học sinh giỏi. Tôi ngạc nhiên hỏi cô giáo chủ nhiệm của lớp cháu. Cô giáo cho biết: “Ông cũng mừng cho con, là lớp 4C của con có 58 học sinh thì 40 cháu trong đó có cháu ông đạt danh hiệu học sinh giỏi. Còn lại là học sinh khá. Không có cháu nào là học sinh trung bình chứ chưa nói là kém”.

Nghe cô giáo nói, tôi chợt nhớ gần 50 năm trước. Vào năm 1966 khi đại hội “Hai tốt” lần thứ 2 mở ra thì Trường cấp 3 Xuân Đỉnh của tôi cũng là một trong ba điển hình của phong trào “Hai tốt” do ngành Giáo dục phát động theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vào năm 1960. Vậy mà cả lớp 10A của tôi gần 60 người chỉ có một học sinh xuất sắc A1. Hai học sinh giỏi A2. Hai học sinh khá A3 trong đó có tôi cho dù tôi là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi Hà Nội đi thi học sinh giỏi văn miền Bắc (đơn giản vì tôi chỉ giỏi Văn, Toán, còn các môn khá chỉ đạt khá)… Tỉ lệ này hoàn toàn phù hợp với cách tính của các nhà chuyên môn. Theo cách tính này thì xác xuất tỉ lệ người giỏi chỉ đạt từ 3-5% dân số. Như ở nước ta theo tỉ lệ này thì với dân số khoảng 90 triệu người thì số người khá, giỏi chỉ chiếm khoảng 3 triệu người. Còn đối với một lớp học hơn 50 học sinh chỉ có độ từ 2-3 học sinh khá và giỏi. Vậy mà. Thật kì lạ… Không chỉ một học sinh đạt mức trung bình yếu như cháu tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mà gần như ở cấp tiểu học thì tỉ lệ học sinh giỏi, khá ở lớp nào, trường nào cũng có tình trạng tương tự như vậy. Một cô cháu gọi tôi bằng cậu cũng bảo “Thằng bé nhà con chữ như gà bới, học lớp 4, chưa biết qui đồng mẫu số là gì mà cuối năm cũng có giấy khen là học sinh khá”. Đem thắc mắc này về hỏi con dâu đang là giáo viên và vợ tôi vốn từng là lãnh đạo một trường Trung học cơ sở thì được nghe giải thích. Thời của tôi cách đây gần nửa thế kỉ học sinh giỏi là giỏi thật, còn bây giờ tất cả phải tuân theo cái gọi là “tỉ lệ của cấp trên phân bổ cho từng lớp, từng trường”. Nếu không thực hiện đúng tỉ lệ đó thì cô, thầy chủ nhiệm bị phê bình, rồi Hiệu trưởng bị phê bình, xong đến trưởng phòng giáo dục bị sở phê bình… rồi Giám đốc sở… cứ tuần tự như thế đến ông bộ trưởng bộ Giáo dục - đào tạo bị khiển trách…

Với tình trạng chất lượng học sinh như thế nên mới có trường hợp tức cười xảy ra ở ngành giáo dục Tây Ninh. 9 huyện của tỉnh này cử 79 học sinh giỏi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh khoá học 2012 - 2013. Thang điểm chất lượng là 20 thì có tới 14 học sinh giỏi bị 0 điểm. Còn diện đạt điểm dưới trung bình chiếm khá nhiều. Trong khi đó có thể điều kiện học hành của học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở đều kém rất xa và gần như bị thả nổi đến mức vô trách nhiệm đối với sự học, sự sinh hoạt đối với học sinh hai cấp này đang là lứa tuổi ưa hoạt động, vui chơi. Mọi điều kiện học hành, sinh hoạt sẽ tác động lớn đến trình độ cũng như sự hình thành nhân cách của các cháu sau này. Đầu tiên phải kể đến sự bất hợp lý từ nhà nước. Cách đây nửa thế kỉ. Thế hệ chúng tôi đi học từ cấp 1 đến cấp 2 rồi cấp 3 đều không phải đóng học phí. Còn nay theo như Giáo sư Trần Phương Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Kinh doanh - Công nghệ cho biết thì Việt Nam là nước duy nhất thu tiền học phí của học sinh tiểu học. Ngoài tiền học phí học trong các buổi học chính thức thì học sinh lại phải đóng tiền học thêm, học phụ đạo. Tiện đây tôi cũng xin nói lại cách đây nửa thế kỉ khi thế hệ chúng tôi thì những học sinh học kém nhất mới buộc phải tập trung để thầy dạy phụ đạo ngoài giờ không thu tiền. Còn hiện nay từ cháu bé chưa vào học mẫu giáo, cho đến học sinh chưa vào lớp 1 đến học sinh lớp 1 cho đến học sinh lớp 12 đều phải đóng tiền bắt buộc để theo học các lớp phụ đạo của các thầy, các cô chủ nhiệm, của các bộ môn dạy thêm, dạy phụ đạo tại các lớp ở nhà riêng thầy, cô, ở tại trường ngoài giờ học. Bốn đứa cháu nội của tôi từ anh đầu lớp 4 cho đến cô út mẫu giáo đều rùng mình, phát khóc mỗi khi buộc phải trèo lên xe để bố, mẹ hay ông bà đưa đi học thêm, học phụ đạo.

 Sau giờ học, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm.

Ngoài tiền học thêm là việc mỗi học kì, mỗi năm học phụ huynh lại đóng đủ thứ tiền dưới chiêu bài tự nguyện. Chính vì các kiểu moi tiền phụ huynh này nên sự học của học sinh các cấp giờ đây luôn trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình. Không cho con đi học thêm thì sợ thầy, cô trù úm cho con đi học thêm quả là vất vả cho ngân quỹ gia đình. Từ góc độ kinh tế đó, tôi chợt hiểu ra một thực trạng cay đắng. Khi quan hệ thầy trò thiêng liêng “tôn sư trọng đạo” đã bị đồng tiền chen vào giữa (cũng như đồng tiền giá lạnh chen vào giữa thầy thuốc và con bệnh hiện nay) thì chắc chắn quan hệ này sẽ bị hoen ố đi rất nhiều. Sự mua bán xuất hiện trong quan hệ đáng ra phải lấy tiêu chuẩn trong sáng, vô tư “vì tương lai con em chúng ta làm chuẩn mực” đã gây ra những hậu quả đáng xấu hổ. Trên báo chí đã từng phản ảnh những câu nói hỗn xược của học sinh đối với thầy cô “bố mẹ tôi đã trả tiền cho thầy cô, chứ thầy, cô không dạy không công mà bắt ne bắt nẹt tôi”. Tôi cũng từng nghe thấy những phụ huynh quát nạt, thậm chí đánh thầy cô vì cho điểm kém, hay dùng hình phạt sư phạm đối với con mình với những câu nói làm nhói đau những người đứng trên bục giảng. “Đã nhận tiền thì phải biết điều chứ.. Dạy thế mà đòi lấy tiền”… Còn về phía thầy cô khi nhận đồng tiền của phụ huynh thì cũng tự mình tạo ra sự phân biệt phản khoa học là lưu ý đến học sinh nào phụ huynh đóng tiền nhiều, nặng quà cáp và vô cảm, thậm chí vô trách nhiệm đối với học sinh nghèo. Tôi còn nhớ cách đây gần nửa năm đã có vị phụ huynh đề nghị và đã được không ít thầy cô, giáo tán thành. Đó là việc tạo ra lớp học sinh VIP trong lớp học khi phụ huynh nộp các khoản chi phí cao hơn các học sinh khác để con cái mình được dậy dỗ, quan tâm tốt hơn. Nếu đề nghị này được thực hiện thì mới thấy sự khủng khiếp của yếu tố thương mại gây tác hại lớn như thế nào vào không gian nghiêm túc của việc trồng người ở nước ta.

 Tiền học đã vậy, còn điều kiện học và sinh hoạt vui chơi của học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở ở không ít trường giữa Thủ đô đang rơi vào tình trạng đáng sợ, phản sư phạm nặng nề. Học sinh bị “cầm tù” trong trường học suốt tám tiếng như thế nào. Xin tạm lấy số liệu ở Quận Hai Bà Trưng. Quận trung tâm Hà Nội này có 257 trường mầm non, 17 trưởng Tiểu học, 15 trường T…  Nhưng hầu hết các trường đều không đủ cơ sở vật chất, không ít trường có tình trạng giống như Trường tiểu học Bà Triệu (phố Bùi Thị Xuân) sân chơi dành cho học sinh chỉ vẻn vẹn 10 mét vuông. Một trường nổi tiếng khác mà tôi nghe dư luận đang rộ lên rằng để xin được vào trường này phụ huynh mất khoảng 2.000 đô la (trên 40 triệu). Vậy mà trường này có 1.500 học sinh tiểu học, 1.000 học sinh trung học trong đó có tới 31 lớp học sinh bán trú. Nhiều lớp phải học nhờ trong nhà dân. Còn không ít lớp có 50 học sinh khi diện tích lớp vẻn vẹn 30 mét vuông. Cậu học sinh lớp 4 cháu tôi không hôm nào về không ca cẩm. Gần 60 học sinh bán trú ngủ trưa mà chỉ có một chiếc quạt trần chạy lờ đờ. Các cháu bị nóng bức, vã mồ hôi giữa trưa hè nóng nực. Còn ngôi trường nổi tiếng kia cũng đã hơn 10 năm xin được cấp đất xây trường những không được trên chấp nhận. Vậy mà ngành Giáo dục Quận Hai Bà vẫn hùng hồn khẳng định, tới năm 2015 quận này sẽ có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia. Lại thêm một lời tuyên bố điển hình của căn bệnh thành tích.

Lại nói khi thế hệ chúng tôi đang là học sinh phổ thông thì đất nước ta còn rất nghèo. Vậy mà nghe tiếng trống báo hết giờ học, chúng tôi sung sướng biết bao khi được ùa ra chơi, chạy nhảy trên khoảng sân rộng mênh mông, rợp bóng cây. Khi tiếng ve kêu, hoa phượng nở, chúng tôi đã nôn nao nghĩ đến kì nghỉ hè thanh thản, không vướng bận học hành. Vậy mà ngày nay, dưới khẩu hiệu được nói như vẹt “trẻ em là tương lai đất nước” thì tiếng trống tan trường vang lên, tiếng ve kêu, màu hoa phượng chỉ làm các cháu học sinh lại giật thót mình vì lại bước vào những giờ học thêm nóng bức, ngột ngạt và cả vô bổ, tốn tiền bố mẹ.

Tương lai đất nước sẽ ra sao khi ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được “bi kịch học đường” - một thứ tệ nạn xã hội. Vì đồng lương chưa thỏa đáng dành cho thầy cô?. Vì quyền lợi vật chất của đội ngũ những người trồng người, hàng chục thế hệ học sinh đã qua, hiện nay và sắp tới vẫn đang nặng trĩu, oằn người vì bi kịch học đường khủng khiếp này?. Hay đơn giản chỉ vì nhà nước ta chưa thực sự quan tâm, chưa tìm ra đường hướng tốt nhất, phù hợp nhất đến nghiệp trồng người ở nước ta.

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Theo Dân trí

0776222668