Lí giải của Bộ GD-ĐT về thí điểm ngoại ngữ mầm non

Danh mục tin tức 1

Lí giải của Bộ GD-ĐT về thí điểm ngoại ngữ mầm non

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tiếp ra hai văn bản có phần “trái ngược” nhau. Một văn bản yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non nhưng sau đó lại đồng ý cho phép “thí điểm”.

Sự bất cập trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không nhất quán khi ban hành văn bản hay một lý do nào khác? Để làm sáng tỏ vấn đề này phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Phan Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thưa bà, việc ngày 18/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 694 gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non với nội dung hết sức quyết liệt đó là yêu cầu tuyệt đối không dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ. Vậy xuất phát từ đâu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành văn bản này?

Qua khảo sát và báo cáo của các địa phương thì trước hết tôi phải khẳng định rằng nhiều địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, trong đó thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên ở một số tỉnh, tại một số cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức cho trẻ học ngoại ngữ theo nhu cầu của phụ huynh. Song việc học ngoại ngữ này chưa mang lại hiệu quả đích thực do không đảm bảo các điều kiện cần và phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi mầm non.

Cụ thể, nội dung chương trình ngoại ngữ cho trẻ đưa vào các cơ sở giáo dục mầm non rất là đa dạng. Có chương trình của nước ngoài được sử dụng nguyên bản mà không tính đến sự phù hợp hay không đối với trẻ mầm non Việt Nam, lại có những chương trình do giáo viên tự biên soạn mà chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định. Bên cạnh đó, trình độ và năng lực ngoại ngữ của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Những người đáp ứng được yêu cầu thì lại chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để có thể làm việc được trong môi trường giáo dục mầm non, chưa hiểu được đặc điểm của trẻ và phương pháp làm việc với trẻ. Ở bậc học mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo nên mọi hoạt động giáo dục chủ yếu được thông qua các trò chơi để làm sao cuốn hút được trẻ, tạo được hứng thú cho trẻ khi tham gia các hoạt động. Do chưa nắm được đặc điểm này nên nhiều hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ bị tổ chức theo kiểu phổ thông hóa chủ yếu cung cấp kiến thức, có kiểm tra, đánh giá, cho điểm và giao bài tập về nhà…

Về cơ sở vật chất thì nhiều nơi còn thiếu thốn, hạn chế về phương tiên, thiết bị giáo dục cho trẻ làm quen với ngoại ngữ như băng đài, tranh ảnh, đồ chơi và môi trường hoạt động trải nghiệm. Để đạt được hiệu quả, trẻ phải được hoạt động, được nhúng trong môi trường giàu ngôn ngữ mới mà trẻ tiếp cận.

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chấn chỉnh để khắc phục hiện tượng trên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

thiết bị giáo dục

Bà Phan Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Văn bản 694 thể hiện sự quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng ngày 18/3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có một văn bản “trái ngược” lại khi quyết định cho phép thí điểm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non đối với cơ sở đáp ứng được các tiêu chí đưa ra về cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy, thiết bị giáo dục. Mục đích của việc thay đổi này là gì?

Tôi phải khẳng định lại rằng không có sự trái chiều của 2 văn bản mà là bổ sung cho nhau để thực hiện được tốt hơn. Chúng tôi vẫn lắng nghe ý kiến của xã hội để làm có giải pháp thúc đẩy ngành học mầm non ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu mong đợi phù hợp của các bậc phụ huynh. Qua theo dõi các ý kiến trao đổi của người dân trên các kênh thông tin, chúng tôi thấy rất nhiều phụ huynh đồng tình với chỉ đạo của Bộ “không dạy thêm ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình khi cho rằng trẻ mầm non là độ tuổi thuận lợi cho việc làm quen với ngoại ngữ và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ; đồng thời nếu tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại trường thì thuận tiện cho việc đưa đón và đỡ mất thời gian đưa con ra học tại các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài.

Việc dạy học ngoại ngữ và làm quen với ngoại ngữ là 2 tầng bậc khác nhau. Đối với trẻ mầm non, làm quen với ngoại ngữ chỉ nhằm mục đích giúp trẻ nhận ra, thích thú khi được làm quen với ngôn ngữ mới, vui sướng khi được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, góp phần giúp trẻ phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết như: nhạy cảm của các giác quan, sáng tạo trong giải quyết vấn đề, tự tin trong giao tiếp, linh hoạt trong hoạt động…

Trên thực tế ở văn bản 694, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ theo kiểu phổ thông hóa trong các điều kiện chưa đảm bảo. Việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở công văn này chưa được đề cập rõ nét. Chính vì thế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 1303 để để đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện một cách cụ thể hơn.

Trong văn bản này nêu rõ: ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở mầm non có thể tổ chức cho trẻ làm quen ngoại ngữ một cách nhẹ nhàng thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh… hoặc các thiết bị giáo dục khác, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới nhưng không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tới việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Việc tổ chức hoạt động này phải có các điều kiện đảm bảo về trình độ, năng lực ngoại ngữ, phương pháp sư phạm của giáo viên; về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và nội dung chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phải thẩm định nội dung chương trình để đảm bảo tính khoa học, phù hợp sự phát triển của trẻ. Chỉ khi Sở thẩm định và cho phép thì các trường mới được tổ chức thí điểm.

Hiện nay, Bộ chỉ đạo thực hiện thí điểm tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ chứ không đại trà ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non. Sau 1 năm thực hiện thí điểm, căn cứ các báo cáo của các địa phương và sự giám sát của Bộ về tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét, rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc chỉ đạo cụ thể và phù hợp ở giai đoạn tiếp theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn gì khi cho phép các cơ sở thí điểm cho trẻ làm quen với ngoài ngữ, thưa bà?

Mục đích của việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phải rèn để trẻ phải nhớ được bao nhiêu từ, nói được bao nhiêu câu hay dịch được bao nhiêu đoạn từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại.

Điều chúng ta mong muốn là gợi lên cho trẻ những cảm xúc thực sự, đem đến cho trẻ những niềm vui, sự đam mê khám phá khi được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới, qua đó giúp trẻ phát những năng lực nền tảng, phẩm chất cần thiết để chuẩn bị tốt cho giai đoạn bước vào học tập ở lớp 1 sau này như sự nhạy cảm của các giác quan, sự linh hoạt trong tư duy và nhận thức, sự tự tin trong giao tiếp và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, sự tự trọng, dám nghĩ, dám làm…

Vậy việc giám sát đối với các cơ sở thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ như thế nào?

Việc theo dõi, giám sát thực hiện thường xuyên là do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có trách nhiệm báo cáo cũng như đảm bảo việc thực hiện thí điểm có chất lượng, theo đúng quy định. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm các kế hoạch thanh kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề như thực hiện chương trình giáo dục mầm non, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi… đối với các địa phương được tổ chức thực hiện đều dặn. Chúng tôi sẽ lồng ghép kiểm tra, giám sát thực hiện thí điểm làm quen ngoại ngữ ở bậc mầm non vào các kế hoạch này.

Một vấn đề đặt ra, quy định này áp dụng cho các hoạt động chính khóa. Nếu trong hoạt động ngoại khóa sau giờ học, trường cho trẻ vui chơi với tiếng Anh thì sao thưa bà?

Nếu hoạt động đó diễn ra trong nhà trường thì phải tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dù hoạt động đó được tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh. Còn nếu ở bên ngoài trường mầm non thì chất lượng và hiệu quả đạt được mức độ như thế nào đều thuộc về quyết định các bậc phụ huynh. Các Sở Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm để giám sát và quản lý các hoạt động này theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hùng

Theo Dân trí

0776222668