Muốn đổi mới giáo dục cần bỏ cơ chế bao cấp

Danh mục tin tức 1

Muốn đổi mới giáo dục cần bỏ cơ chế bao cấp

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 - 2015 ngày 25/2 đã có những trao đổi, góp ý thắng thắn trong việc đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo. Câu chuyện xóa bao cấp trong giáo dục được Bộ Tài chính đưa ra “mổ xẻ”.

Mở đầu cho câu chuyện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ: Sau một thời gian làm công tác xã hội hóa giáo dục thì hiện nay giáo dục sau bậc học phổ thông thì xã hội hóa rất mạnh nhưng đối với phổ thông thì dường như quay lại tư tưởng bao cấp.

Hiện nay hệ thống công chức của chúng ta từ huyện đến Trung ương chỉ có 384.000, trong khi đó chỉ đổi mới ở bậc mầm non chúng ta đã tăng 500.000 giáo viên. Nếu chúng ta không bàn kỹ việc xã hội hóa ngay ở bậc phổ thông mà cứ mãi bao cấp thì liệu có làm nổi lương, biên chế…

thiết bị giáo dục mầm non

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015.

Trăn trở về vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh phân tích: Một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đó chính là cơ chế quản lý, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Giáo dục là một lĩnh vực mà cơ cấu tiền lương vô cùng lớn trong toàn bộ tiền lương hệ thống công chức, viên chức của chúng ta.

Trong đề án đổi mới cơ chế hoạt động công lập cũng như trong đề án cải cách tiền lương có đề cập đến một vấn đề hết sức quan trọng đó là giá dịch vụ và xã hội hóa. Giáo dục là một loại hình sự nghiệp công nên được cho phép tính giá dịch vụ công theo lộ trình.

Hiện nay chúng ta đang đầu tư 20% ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, so với các nước thì tỷ lệ này cao nhưng tổng nguồn lực thì vẫn là thấp bởi nguồn lực huy động từ xã hội chưa đạt đến như mong muốn của chúng ta, cũng như năng lực của xã hội có thể lo được.

Hiện nay đối với giáo dục chúng ta cho phép tính rất thấp so với chi phí bỏ ra. Chẳng hạn như ở bậc Đại học, khi khảo sát ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì cho thấy một sinh viên y khoa phải có 50 triệu thì mới có được một cử nhân y khoa có chất lượng nhưng hiện nay chúng ta đầu tư chỉ dưới 10 triệu mà lại không cho thu thêm. Điều này dẫn đến một bài toán rất luẩn quẩn đó là chúng ta cứ phải tăng số lượng học sinh bằng mọi cách để có nguồn thu để bù đắp. Có nhiều thứ phải làm để nâng cao chất lượng nhưng không có tiền nên đành phải dạy chay vì thế dẫn đến chất lượng thấp.

“Chúng ta cứ luẩn quẩn trong bài toán vì không có tiền nên chất lượng thấp, chất lượng thấp nên không thể đưa ra yêu cầu thu cao được. Chúng ta đang rất vướng vào việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, cụ thể là giá dịch vụ. Tất cả chúng ta đều thống nhất hướng là xã hội hóa giáo dục nhưng trong thực tế có những cản trở. Khi làm vướng phải rất nhiều áp lực từ phía xã hội, người dân, thậm chí là cơ quan truyền thông” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh bày tỏ.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh thì hiện nay đang có một sự đầu tư cho giáo dục dàn trải bình quân, không phân biệt nhiều giữa các ngành nghề. Chính vì thế tới đây trong tổng nguồn lực 20% nên cơ cấu lại, tức là trong 20% đó dành nguồn lực đầu tư cho những ngành trọng điểm mà nhà nước đang cần như ngành khoa học cơ bản, công nghệ… Đối với những ngành có thể xã hội hóa được thì cần mạnh dạn làm

“Trong đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại chỉ quan tâm đến xã hội hóa lĩnh vực đào tạo còn không tính giá dịch vụ đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là bao cấp. Trong tỷ trọng giáo dục đào tạo thì chi phí dành cho giáo dục phổ thông là rất lớn. Hiện nay chúng ta đang thực hiện phổ cập bậc tiểu học, Trung học cơ sở thì có thể nhà nước bao cấp. Đối với bậc Trung học phổ thông thì nên chăng chỉ bao cấp ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, con em gia đình nghèo? Hiện nay chúng ta đang bao cấp cho cả những người có tiền, nghĩa là ở thành phố và các vùng khó khăn chúng ta thực thế không khác nhau nhiều. Điều này dẫn đến bất cập, người có tiền thì cũng chỉ được hưởng dịch vụ chất lượng rất là thấp, người được cho cũng được hưởng một dịch vụ giá trị thấp” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh bộc bạch.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc đưa phổ cập giáo dục bậc mầm non 5 tuổi tưởng là thành công nhưng thực tế là đi ngược với các nước. Đối với các nước thì nuôi con là việc của cha mẹ, còn dạy con thì nhà nước có thể can thiệp vào. Còn chúng ta hiện nay đang đánh đồng trong khi số lượng là rất lớn.

“Nên chăng chúng ta cũng phải phân biệt rõ ràng đó là chỉ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, con em nghèo. Các đối tượng còn lại thì phụ huynh phải có trách nhiệm đưa con đến trường và phải đóng tiền để cùng chung tay với nhà nước” - Thứ trưởng Minh nói.

Chốt lại vấn đề, Thứ trưởng Bộ tài chính khẳng định: “Nếu tổng ngân sách dành cho giáo dục không thay đổi được thì cần phải cơ cấu lại. Lúc đó sẽ giải quyết được bài toán vừa cơ cấu lại vừa tính giá dịch vụ đầy đủ cho giáo dục đào tạo thì sẽ có chất lượng giáo dục đào tạo tốt hơn. Nhà nước chỉ đầu tư cho những ngành cần quan tâm, đầu tư cho những người cần quan tâm còn lại xã hội phải cùng chăm lo vào thì chúng ta mới thành công trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”.

Nguyễn Hùng

Theo dantri.com.vn

0776222668