-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Danh mục tin tức 1
1000 suất học bổng cho con em công nhân học mầm non
Ngày 19/2, Quỹ giáo dục “Búp trên cành” đã chính thức ra mắt. Trong ngày ra mắt, Ban quản lý quỹ trao tặng gói hỗ trợ đầu tiên là 1.000 suất học bổng trị giá 1 tỷ đồng cho con em đang học mầm non của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.
1.000 học bổng này sẽ được trao cho Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp 3 tỉnh thành là Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được 350 suất, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh được 325 suất.
Các suất học bổng này sẽ được Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp các tỉnh thành trên lựa chọn và trao tặng cho các gia đình công nhân khó khăn, có con em đang học mầm non để tạo điều kiện cho các em được học ở các lớp mầm non tốt hơn, đầy đủ hơn về cơ sở vật chất cũng như các thiết bị mầm non.
Quỹ giáo dục “Búp trên cành” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Home Credit Việt Nam hợp tác xây dựng và điều hành. Ngoài học bổng cho các gia đình công nhân nghèo, Quỹ giáo dục “Búp trên cành” còn mời các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục mầm non thực hiện nhiều buổi tập huấn kỹ năng cho các công nhân có con nhỏ tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp về những chủ đề như: nuôi dạy trẻ mầm non, tâm lý trẻ, cách nhận biết trẻ bị bạo hành…
Ban quản lý Quỹ giáo dục “Búp trên cành” cam kết hỗ trợ 1.000 suất học bổng cho con em công nhân thông qua các Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện phó Viện Nghiên cứu Giáo dục thì 3 tỉnh thành trên là những địa phương tập trung rất đông công nhân, đa phần là người nhập cư từ các tỉnh. Trong khi đó, trường lớp cho trẻ mầm non (trẻ dưới 5 tuổi) ở cả 3 tỉnh thành đều không đáp ứng đủ nhu cầu, bắt buộc các gia đình công nhân phải gửi con em mình vào các nhóm, lớp trẻ không đủ điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở vật chất cũng như thiết bị mầm non.
Tiến sĩ Kim Dung cho rằng: “Các cơ quan chức năng cũng liên tục kiểm tra, xử phạt và đóng cửa các lớp trẻ không đạt yêu cầu. Điều đó cho thấy cơ quan chức năng cũng rất tích cực làm việc nhưng những vụ việc đau lòng như lạm dụng, bạo hành trẻ vẫn xảy ra. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận khi cơ sở vật chất ngành mầm non chưa đủ, thiết bị mầm non sơ sài, nhân lực càng thiếu thốn hơn. Do đó, tôi mong là cả xã hội chúng ta sẽ hỗ trợ trẻ em ở cấp học này!”.
Tiến sĩ Kim Dung cũng cho biết Viện đang tiến hành một nghiên cứu thực trạng nuôi dạy trẻ mầm non ở 3 tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sẽ đi sâu vào thực trạng giảng dạy và khó khăn của công nhân lao động gặp phải khi tiếp cận giáo dục mầm non. Từ đó, Viện sẽ đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cấp bách, tạm thời cần thực hiện ngay cũng như các giải pháp căn cơ hơn, làm tiền đề cho các nghiên cứu sau này.
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Cần chú trọng chăm sóc trẻ nhiều hơn ở cấp học mầm non. Ở Mỹ cách đây 50 năm cũng đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo dục mầm non đến tương lai của trẻ. Sau mười mấy năm nghiên cứu, họ rút ra kết luận là nhóm trẻ được học ở môi trường giáo dục mầm non tốt thì tỷ lệ thất nghiệp chỉ bằng 1/2 so với nhóm khác; cứ 1 USD bỏ ra cho giáo dục mầm non thì tương lai xã hội sẽ tiết kiệm được 12 USD cho chi phí giải quyết các vấn nạn xã hội, xây dựng nhà tù, hỗ trợ thất nghiệp…”.
Tùng Nguyên
Theo dantri.com.vn