Bệnh thành tích triệt tiêu kỹ năng sống của học sinh

Danh mục tin tức 1

Bệnh thành tích triệt tiêu kỹ năng sống của học sinh

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Các chuyên gia về giáo dục kỹ năng sống đã nhận định bệnh thành tích trong giáo dục, áp lực từ học tập đã dẫn đến học sinh thiếu nhận thức cái nào tốt, cái nào chưa tốt…

Đa phần các em tìm đến những trò chơi trực tuyến trên internet và nghiện chúng… với mong muốn khỏa lấp những áp lực trong học tập vốn xuất phát từ căn bệnh thành tích.

Đừng xem nhẹ buổi sinh hoạt ngoại khóa

Trước nhu cầu bức bối sân chơi ở các trường học nội thành, sự không thân thiện giữa các gia đình trong khu phố, trẻ con ít được giao lưu, cùng chơi với nhau như trẻ con nông thôn. Do đó, trẻ sẽ rất thụ động, thiếu hẳn kỹ năng.

Th.S Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Việt Mỹ, phân tích: Các buổi học ngoại khóa từ những chuyến du lịch, dã ngoại... ngoài việc vui chơi, tham quan, các em cũng được tự học, trang bị cho mình những kỹ năng tự phục vục bản thân.

Trẻ biết chọn cho mình những trang phục phù hợp, tự sắp xếp và quản lý thời gian khi tham gia những sinh hoạt tập thể.

Ngay từ lứa tuổi mầm non, hãy để trẻ tự chăm sóc cho mình. 
Ngay từ lứa tuổi mầm non, hãy để trẻ tự chăm sóc cho mình. 
 

Đặc biệt là các em thể hiện sự biết quan tâm, chia sẻ… Những điều đơn giản này, nếu chúng ta không quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động cho các em ở lứa tuổi nhỏ, lớn lên sự nhút nhát sẽ tỉ lệ thuận với lứa tuổi của các em. Trẻ sẽ bị chai lỳ cảm xúc.

Ngoài ra, những chuyến du lịch xa còn trang bị cho các em những kiến thức về lịch sử, địa lý, sinh học…

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, quan ngại về thực trạng học sinh đánh nhau, chửi thề, có thái độ thờ ơ vô cảm trước mọi chuyện. 

"Hiện tượng trầm cảm, stress, tự tử, hủy hoại đời mình… xảy ra liên tiếp là lời cảnh báo cho sự xem nhẹ giáo dục kỹ năng sống (KNS) trong gia đình, nhà trường và xã hội", bà Cẩm Tú nói.

Nguyên nhân sâu xa vẫn là do các em không được giáo dục về KNS. Đơn giản các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém,...

Các em cũng chưa được dạy để hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống nên sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội và nhiều khi ngay cả mạng sống của mình cũng bị chính các em từ bỏ một cách không thương tiếc. Hàng chục vụ nhảy cầu tự tử hàng năm phần lớn ở lứa tuổi học sinh.

Đưa trẻ đi chợ, siêu thị để các em tự tin trong các quan hệ giao tiếp.
Đưa trẻ đi chợ, siêu thị để các em tự tin trong các quan hệ giao tiếp.
 

Dạy kỹ năng: Đừng để nước đến chân mới nhảy

Ông Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia cố vấn đào tạo Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Học sinh hiện nay “hỏng” về KNS rất lớn, đặc biệt là học sinh ở những TP lớn.

Cũng theo ông Nhân, lứa tuổi học sinh bậc THCS, THPT do ý thức và suy nghĩ các em chưa tới, đam mê một cái gì, các em có thể “sống, chết” với nó và chúng ta - những người lớn (đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo) không có kỹ năng sẽ không giúp được con em mình thoát ra đam mê.

Những học sinh yếu kém càng trượt dài hơn. Cha mẹ cũng vậy, lo kiếm tiền, ít quan tâm đến con cái, lâu dần con họ mất những kỹ năng thực hành xã hội vốn mang đến cho chúng từ những sân chơi, các mối quan hệ bạn bè lành mạnh.

Bên cạnh đó, khi bùng phát thực trạng học sinh lười, nhát, yếu kém trong các mối quan hệ, hành xử thiếu kiềm chế, suy nghĩ… phụ huynh bắt đầu đổ lỗi cho nhà trường, giáo viên.

Nắm bắt cơ hợi này, nhiều công ty bắt đầu đổ xô mở lớp dạy KNS cho học sinh với những lời quảng cáo “bùi tai”, phụ huynh hoảng hốt thấy con mình yếu kém và cho đi học những cái việc lý ra con họ phải được dạy lúc 2-3 tuổi.

Học ngoại khóa, trẻ được tự do thể hiện suy nghĩ và được vui chơi, không bị áp lực.
Học ngoại khóa, trẻ được tự do thể hiện suy nghĩ và được vui chơi, không bị áp lực.
 

Vấn đề này, theo ông Nhân, Bộ GD-ĐT cần tập huấn, mời những chuyên gia dạy cho giáo viên về những phương pháp hoạt động ngoại khóa, lồng ghép những chương trình về kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, để cho các em tự suy nghĩ, tự lựa chọn, bình luận, nhận xét về một vấn đề và tự chịu trách nhiệm bản thân về nhận xét đó.

Cạnh đó, các cơ quan đoàn thể địa phương cũng phải được đào tạo, tổ chức nhiều sân chơi cho học sinh tại địa phương. Riêng phụ huynh cũng cần tham gia các lớp kỹ năng làm cha, làm mẹ, các buổi nói chuyện chuyên đề về quan hệ cha mẹ - con cái.

Theo Quốc Việt
Nguồn : dantri.com.vn
0776222668