HCM : Đầu tư toàn diện cho hệ thống mầm non

Danh mục tin tức 1

HCM : Đầu tư toàn diện cho hệ thống mầm non

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải chỉ đạo các quận - huyện phải chủ động vốn để xây trường mầm non và nhà trẻ với đầy đủ thiết bị giáo dục cần thiết, không trông chờ nhà đầu tư.

Chiều 7/2, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành ủy để giải quyết kiến nghị của các quận ủy, huyện ủy về một số nội dung liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non trên địa bàn Thành phố.

Xây ngay 8 trường cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi

Trước đề xuất cần đầu tư xây dựng mỗi phường một cơ sở công lập nhận nuôi, dạy trẻ từ 6-36 tháng tuổi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng điều này khó khả thi trong điều kiện hiện nay vì chưa đủ lực về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, bảo mẫu. Theo ông Sơn, trường mầm non hiện vẫn chưa có giáo trình về việc nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi; còn việc thu hút đội ngũ, kể cả công lập lẫn tư thục, cũng chưa được như mong muốn.

Nhiều phụ huynh chọn gửi con vào nhà trẻ tư thục vì tính cơ động và sự tiện lợi. (Ảnh minh họa)

Đáng lo là số giáo viên tốt nghiệp so với số thi tuyển ban đầu quá ít. Năm 2013, chỉ có hơn 164/2.125 giáo viên tốt nghiệp, năm 2014 là 784/2.130 giáo viên. Nếu theo tiêu chí 2 giáo viên/lớp (quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thiếu 5.000 người. “Nếu chúng ta làm đại trà thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Thành ủy nên cho xây trước 8 trường giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở những nơi có đông công nhân và người lao động như quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh” - ông Sơn kiến nghị.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Thành phố phải ưu tiên lo cho các cháu và chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo làm ngay đề án xây trường mầm non cho các cháu từ 6-18 tháng tuổi trong tháng 2-2014. Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phải chủ động phối hợp với các trường sư phạm đào tạo đến năm 2015 tối thiểu phải có 2.000 giáo viên mầm non; phối hợp với Hội LHPN Thành phố tổ chức bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc trẻ, về nhân cách, đạo đức, lương tâm cho đội ngũ, kể cả giáo viên mầm non, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức thường xuyên các chuyên đề về chăm sóc, giáo dục trẻ em cho các nhóm, người giữ trẻ.

Trả lãi vay từ 7 lên 15 năm

Một đề xuất khác được 24 quận ủy, huyện ủy đưa ra là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm, tập trung đầu tư nâng cấp 50 trường, xây mới 166 trường mầm non, mẫu giáo có trang bị đầy đủ thiết bị mầm non để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Thái Văn Rê cho biết hiện 118 dự án với tổng mức đầu tư 4.392 tỉ đồng đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, khi hoàn thành sẽ cung ứng 1.550 phòng học. Dự kiến, năm 2014 sẽ hoàn thành 18 dự án, năm 2015 là 100 dự án, số còn lại sang năm 2016 hoàn tất.

Tuy nhiên, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, băn khoăn: “Trong 216 trường đề nghị nâng cấp, xây mới, chỉ có 1 trường tư nhân, nhà nước phải chi 215 trường. Không xã hội hóa được thì sẽ rất khó cho ngân sách”. Để khuyết khích nhà đầu tư vay vốn kích cầu, bà Lan đề xuất kéo dài thời gian trả lãi vay từ không quá 7 năm lên 10-15 năm. Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc kéo dài thời gian trả lãi vay, cũng cần mở rộng đối tượng cho vay, cụ thể là nhóm trẻ gia đình.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đồng ý với các đề xuất nêu trên nhưng nhấn mạnh không được trông chờ vào các nhà đầu tư. “Lo cho các cháu là trách nhiệm của Thành phố. Không đợi nhà đầu tư, Thành phố phải dùng phương tiện kích cầu để có tiền xây trường ngay cho các cháu. Thay vì chờ nhà đầu tư vay vốn kích cầu để xây trường, tại sao các quận - huyện không đứng ra vay rồi trả dần qua các năm?” - ông Lê Thanh Hải đặt vấn đề.

Ông Hứa Ngọc Thuận cũng nêu lên một việc tồn tại: Khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao đất cho nhà đầu tư đều đã quy hoạch làm công trình công cộng, trong đó có xây trường học nhưng thực tế, đa số nhà đầu tư không thực hiện mà phân lô xây nhà. Cụ thể là ở quận 2, các dự án không đầu tư làm giáo dục. “Rõ ràng lâu nay, chúng ta giao cho quận - huyện quản lý là không hiệu quả, giờ mọi chuyện xảy ra mới vỡ lẽ. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo rà soát lại để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay” - ông Thuận nêu rõ.

Trước đây, khi quy hoạch các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh không có quy hoạch trường. Sau này, Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh thì mới có quy hoạch xây trường trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp. Nếu giải quyết được 23 trường trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thì sẽ giảm tải rất nhiều cho quận - huyện. Việc này cũng hợp lý vì đây là nơi tập trung đông công nhân, người lao động nhập cư.

Xử lý 1.028 cơ sở không phép

Theo báo cáo của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện có 419 trường mầm non công lập, nuôi dạy 161.072 cháu; 2.987 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục - 167.590 cháu, trong đó có 1.028 cơ sở không phép. Đa số các cháu từ 6-18 tháng tuổi được gia đình gửi tại các nhóm trẻ, nhà trẻ tư nhân vì phù hợp thời gian làm việc của người lao động và thủ tục thuận lợi.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý 1.028 cơ sở không phép; qua đó hướng dẫn 162 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục đủ điều kiện về trang thiết bị giáo dục mầm non được cấp phép và kiên quyết giải tán 866 nơi không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, tập trung nhiều tại quận Bình Tân và Thủ Đức. Đáng lo ngại là trong số 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục không phép, có đến 337 người trình độ thấp, không chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo, chủ yếu nhận giữ trẻ theo kinh nghiệm.

Theo Phan Anh

Nguồn : dantri.com.vn

0776222668