Danh mục tin tức 1
Mong muốn giảng gánh nặng sách vở của học sinh
Trong buổi gặp gỡ đầu năm với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 8/2, nhiều học trò chia sẻ tâm tư liên quan đến việc học. Các em có chung mong muốn học trong một môi trường mới với các phương pháp giảng dạy và thiết bị giáo dục hiện đại để được giảm gánh nặng học tập trên sách vở để được hoạt động nhiều hơn.
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh chia trẻ tâm tư cùng lãnh đạo thành phố nhân dịp đầu năm mới.
Học trò “khát” hoạt động ngoại khóa
Em Hoàng Anh Huy, học sinh lớp 8 ở Q. Bình Thạnh trăn trở, làm sao có thể tăng hiệu quả học tập khi mà thực tế kỹ năng sống của học sinh thiếu trầm trọng. “Việc học kỹ năng sống hiện rất gò bó, thiếu thực tế”, em nói.
Đến từ Trường Trung học cơ sở Đống Đa, Q. Bình Thạnh, em Văn Khuê bày tỏ phương pháp học tập hiện tại đang gây nên sự nhàm chán cho học sinh, các em mất đi hứng thú học tập. Các em có mong muốn các tiết học cần được đan xen nhiều hơn nữa cùng các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi giúp người học chủ động hơn.
Các em có chung mong muốn được giảm áp lực học tập, có điều kiện để tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trau dồi kỹ năng sống.
“Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hiện đại hóa việc dạy học ở nhà trường bằng các phương tiện, thiết bị giáo dục hiện đại. Qua đó, giảm dần việc học sinh phải mang nhiều sách vở đến lớp, đồng thời giảm áp lực sổ sách cho giáo viên”, em Vũ Thiên Kim, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, Q.1 đề xuất.
Học sinh Đặng Minh Khang đến từ Trường Trung học cơ sở Quang Trung, Q. Gò Vấp cũng cho rằng các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa ở trường học, địa phương chỉ mới đến đến được với các bạn chỉ huy đội. Còn các bạn đội viên khác có rất ít cơ hội tham gia dã ngoại, hoạt động tìm hiểu về truyền thống để có thể trau dồi kỹ năng lẫn nhân cách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận trò chuyện với học sinh.
Từ thực tế của mình, phải giấu bố mẹ tham gia các hoạt động ngoại khóa, một học sinh đến từ Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Q. 11 nói rằng, nhiều học sinh chịu áp lực rất khủng khiếp từ gia đình. Nhiều bạn trẻ bị bố mẹ ngăn cấm không cho tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, phong trào mà bắt tập trung hết vào việc học.
“Người lớn chưa thật sự quan tâm đến đam mê, mong muốn của con trẻ”, học sinh này nói.
Em Thủy Tiên, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi cho rằng lãnh đạo cần quan tâm hơn đến định hướng tương lai cho lớp trẻ, giúp các em viết lên những ước mơ và thực hiện ước mơ đó. Cụ thể là học sinh mong muốn có nhiều sân chơi để tìm hiểu khả năng của mình, tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp giúp dễ dàng xác định hướng đi trong tương lai.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi nhanh trong việc đổi mới dạy học
Trong hơn 20 câu hỏi, tâm tư gửi đến lãnh đạo có rất nhiều câu hỏi của thiếu nhi đề cập về việc học tập còn nặng như hiện nay. "Chúng em đang chờ đợi vào việc đổi mới giáo dục, nâng cấp việc giảng dạy bằng các thiết bị giáo dục hiện đại để thật sự được giảm áp lực về học tập", Phương Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Colette, Q.3 nói.
Chia sẻ những trăn trở của các em, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cấp thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại là định hướng phát triển hiện nay của ngành giáo dục.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc đổi mới theo hướng giúp các em phát huy việc tự học, tự rèn luyện, phát huy khả năng sáng tạo của mình; xây dựng nhiều tiết học hữu ích, gắn kết, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng cho học sinh.
Bên cạnh đó, bà Thanh khuyến khích bản thân mỗi em thiếu nhi cần tích cực, chủ động với việc học, các hoạt động ngoại khóa để tạo cho mình sự hứng thú, phấn khởi khi tiếp cận tri thức.
Trong ảnh: Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh mừng tuổi đầu năm mới cho học sinh.
Lắng nghe tâm tư của thiếu nhi, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhanh việc đổi mới căn bản toàn diện việc dạy học, tập trung vào việc giảm tải cho học sinh để các giúp các em nhẹ nhàng, thoái mái khi đến trường. Đồng thời ông Thuận cũng đề xuất nên gặp gỡ thiếu nhi để lắng nghe tâm tư của các em là hoạt động thường niên của Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó giúp thành phố có những chính sách, điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng của thế hệ trẻ.
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang thí điểm đề án trang bị sách điện tử, đưa bảng tương tác vào dạy học tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận công nghệ hiện đại trong việc học. Theo đó, sắp tới các em sẽ không còn phải mang nhiều sách vở đến trường.
Hoài Nam
Theo dantri.com.vn