Tăng cường công tác thanh tra quản lý các dự án giáo dục

Danh mục tin tức 1

Tăng cường công tác thanh tra quản lý các dự án giáo dục

Đăng bởi: Admin  |   30/07/2019

Trả lời phỏng vấn ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất & Thiết bị trường học (Bộ Giáo dục – Đào tạo) cho biết.  “Một số đơn vị thuê tư vấn quản lý dự án không có sự hợp lý và hiệu quả. Kinh phí chi trả cho công tác quản lý dự án là quá lớn, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, gây lãng phí  ngân sách nhà nước”

 

 

 

 

 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (trực thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo) cũng cho biết thêm, công tác đầu tư và đấu thầu năm 2013 của các đơn vị trực thuộc Bộ về cơ bản đã thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đã có 23 đơn vị sử dụng nguồn vốn tự bổ sung hợp pháp để góp phần tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trong năm 2013 với tổng kinh phí gần 246 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng như ĐH Nông nghiệp Hà Nội tự ý phê duyệt và thi công nâng tầng Giảng đường đa năng mới được Bộ đầu tư, chưa phê quyệt quyết toán dự án hoàn thành, chưa có cơ quan quản lý nhà nước kiểm định sự an toàn công trình; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho xây tầng hầm thuộc Dự án Giảng đường lớn đa năng, nhưng không trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt.

Hầu hết các đơn vị chưa có báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn có đơn vị chủ đầu tư không làm chủ trong việc xem xét và phê duyệt hồ sơ thầu mà phụ thuộc vào đơn vị tư vấn. Qua kiểm tra công tác đấu thầu tại các đơn vị, vẫn còn những sai sót như: Hồ sơ thiếu các văn bản căn cứ pháp lý; thực hiện không đầy đủ các nội dung cơ bản trong quy trình đấu thầu; một số văn bản do chủ đầu tư phê duyệt bị thiếu sót hoặc sai sót về nội dung so với quy định.

Liên quan đến công tác thanh tra quyết toán, Cục trưởng Trần Duy Tạo cho hay: “Năm 2013, Bộ đã thực hiện phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 30 dự án, hạng mục công trình với tổng đầu tư hơn 210 tỷ đồng. Phát hiện, cắt giảm các khoản chi không đúng quy định, đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 18 tỷ đồng”

Đầu tư kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước

Vẫn còn tình trạng đầu tư thiết bị giáo dục thiếu hiệu quả

 

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, theo số liệu báo cáo và kết quả tổng hợp từ các đơn vị trực thuộc năm 2013 thì tổng kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của các đơn vị là hơn 317 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/12/2013, tổng số các gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các đơn vị đã được phê duyệt kết quả đấu thầu và đang tiến hành các thủ tục thanh quyết toán với số tiền là hơn 243 tỷ đồng (đạt 76,8% tổng kinh phí đầu tư”.

Việc đầu tư của các đơn vị mới chỉ mua sắm bổ sung, tăng cường thiết bị phòng thí nghiệm hiện có, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, các trường chưa đủ điều kiện trong việc đầu tư trọng điểm, hiện đại cho các phòng thí nghiệm (trừ các dự án đầu tư của một vài trường từ nguồn kinh phí tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ).

Kết quả kiểm tra thực tế ở một số đơn vị cho thấy các thiết bị mới đầu tư cơ bản đã được các đơn vị đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học,góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng thừa nhận, việc đầu tư trang thiết bị giảng dạy ở một số đơn vị chưa hiệu quả.

Về nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư thiết bị giáo dục thiếu hiệu quả, Cục trưởng Trần Duy Tạo cho biết: Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp so với nhu cầu đào tạo thực tế của các đơn vị, do đó việc đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo và nghiên cứu khoa học manh mún, nhỏ lẻ; chủ yếu là bổ sung cho các phòng thí nghiệm, thực hành hiện có; chưa tạo sự đột phá rõ nét trong đầu tư, thiếu tính đồng bộ, vù vậy chưa thực sự phát huy được hiệu quả đầu tư.

Các đơn vị mới chú trọng đầu tư thiết bị phần cứng mà chưa chú trọng đầu tư đối với hệ thống phần mềm ứng dụng cho các chuyên ngành đào tạo, xây dựng giáo trình điện tử, cơ sở dữ liệu, do đó chưa tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống thiết bị.

Nhiều thiết bị đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu đào tạo thực tế của đơn vị; Thiết bị nhiều chức năng chưa phù hợp với khả năng khai thác sử dụng thiết bị trong giảng dạy đội ngũ các bộ giảng viên. Cá biệt có đơn vị thiết bị dạy và học ngoài ngữ được đầu tư hiện đại, song hầu như không khai thác sử dụng vì công tác bồi dưỡng, tập huấn khai thác sử dụng thiết bị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa được quan tâm đúng mức, do đó thiết bị hầu như không phát huy được hiệu quả trong giảng dạy và học tập…

Trước thực trạng thất thoát, gây lãng phí của các đơn vị, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong năm 2014 sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý dự án, công tác đấu thầu, khai thác sử dụng thiết bị tại các trường và đơn vị trực thuộc nhằm chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý vốn đầu tư, quản lý đấu thầu theo các quy định của pháp luật.

Nguyễn Hùng

Theo dantri.com.vn

0776222668